Người đàn ông ngã gục trên đường giữa trưa nắng
Bản tin sức khỏe: Người đàn ông này nằm gục bên đường, có dấu hiệu bị say nắng, sốc nhiệt và được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu.
Trưa 4/7, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đã tiếp nhận một trường hợp nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sức khỏe nguy kịch nghi sốc nhiệt do quá nắng nóng. Trước đó, người đàn ông này nằm gục bên đường, có dấu hiệu bị say nắng, sốc nhiệt.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cấp cứu Tổng hợp, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), thân nhiệt bệnh nhân lúc này rất cao, lên đến 41 độ C. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tích cực cấp cứu người bệnh, hơn một tiếng tích cực hạ nhiệt, thân nhiệt nam bệnh nhân này đã xuống 38,5 độ, nhưng vẫn trong tình trạng hôn mê, diễn biến sức khỏe phức tạp.
Các bác sĩ đang tiến hành đánh giá các tổn thương khác. TS Anh Tuấn cảnh báo trong những ngày nắng nóng như hiện nay rất dễ xảy ra tình trạng say nắng, sốc nhiệt với các biểu hiện như mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa…
Sốc nhiệt có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng con người như gây tổn thương não, mê sảng, mất ý thức, thậm chí tử vong, vì thế hãy luôn cẩn trọng phòng say nắng trong ngày hè – các trang tin nóng đưa tin.
“Việc cần làm ngay khi gặp người bệnh bị say nắng, sốc nhiệt đó là phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo, chườm mát vào cổ, bẹn, nách và lau người… Thậm chí, có thể dùng chai nước mát đổ lên người bệnh nhân, nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh. Trong trường hợp này cần phải hạ thân nhiệt người bệnh càng nhanh càng tốt, bằng bất cứ biện pháp nào”, TS Tuấn Anh hướng dẫn.
Khi nhiệt độ ngoài trời 35 độ C, chỉ cần khoảng 20 phút, trong ôtô (không bật điều hòa) có thể lên tới 50 độ C, 40 phút là 65,5 độ C. Riêng ghế da mức nhiệt lên 70 độ C.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi – nguyên bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện E Trung ương – cho biết sự thay đổi nhiệt độ giữa xe ôtô và ngoài trời rất nguy hiểm. Sở dĩ nguy hiểm hơn so với sốc nhiệt từ phòng điều hòa ra ngoài trời là vì trong xe còn có thêm khí CO2.
Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn còn dẫn đến bị sốc nhiệt với biểu hiện đau đầu, chóng mặt hoặc choáng váng, tim đập nhanh, thậm chí ngất xỉu hoặc đột quỵ.
Trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Lợi khuyên mọi người nên hạn chế tắm nước lạnh. Những ai có tiền căn cao huyết áp, cơ địa không tốt, khi di chuyển bằng xe hơi cần chú ý đến sốc nhiệt vì có thể gây co thắt mạch máu não… ảnh hướng tới tính mạng.
Để hạn chế ảnh hưởng của sốc nhiệt với người di chuyển bằng ôtô, bác sĩ Lợi cho biết khi di chuyển gần đến địa điểm xuống xe người lái xe phải điều chỉnh nhiệt độ cao dần so vơi nhiệt độ phòng từ 27-30 độ C để tránh sốc nhiệt. Ngoài ra, trước khi lên xe cũng không nên để nhiệt độ quá mát, cảm giác bước vào xe mát lạnh rất thích lúc đó nhưng dễ bị cảm lạnh nhất là những người như bà bầu và trẻ em.