Từ Roger Federer đến Ronaldo: Những ‘ông già’ vĩ đại thống trị thể thao thế giới
Từ Thụy Sĩ tới Bồ Đào Nha, từ tennis tới bóng đá, từ Roger Federer đến Cristiano Ronaldo, những “ông già” trong giới thể thao đang đặt bàn đạp thống trị với những danh hiệu mà ở độ tuổi của họ, nhiều ngôi sao đã tính tới chuyện nghỉ hưu.
Firevietnam.net được biết”Tôi luôn tin vào sự trở lại của mình, tin rằng mình có thể làm điều đó (vô địch Wimbledon) một lần nữa. Khi bạn có niềm tin, bạn có thể đi được rất xa trên hành trình của cuộc đời mình. Tôi chưa bao giờ ngừng mơ ước và tin tưởng, đó là lí do tôi có mặt ở đây, hôm nay, để nâng cao chức vô địch Wimbledon thứ 8 của mình”.
Roger Federer vừa trải qua một trong những trận chung kết chóng vánh nhất trong sự nghiệp. 1 giờ 43 phút, “tàu tốc hành” bỏ lại Marin Cilic ở phía sau với 3 set trắng, qua đó giành danh hiệu Wimbledon thứ 8.
Chàng trai Thụy Sĩ ngày nào còn lăm le kỷ lục vô địch 14 Grand Slam của huyền thoại Pete Sampras, giờ đã đứng riêng một góc trời với thành trì không thể xô đổ: 19 danh hiệu Grand Slam.
Và Federer làm được điều đó ở tuổi 35!
Ở tuổi 30, Rafael Nadal chật vật tìm lại phong độ và đối đầu với những chấn thương. Chưa đến tuổi 30, Andy Murray hay Novak Djokovic đã có dấu hiệu xuống dốc. Chỉ còn Federer ở đó để thiết lập những cột mốc mới trên mặt cỏ nước Anh.
Nên nhớ, Marat Safin – cựu số 1 thế giới, chỉ hơn Federer 2 tuổi. Vậy mà Safin đã giải nghệ được… 8 năm, trong khi “tàu tốc hành” vẫn vững vàng trên đỉnh cao và “chơi thứ tennis hay nhất trong sự nghiệp” – như nhận xét mà Cilic dành cho Federer.
Chuyện những “ông lão” chinh phục vinh quang, chẳng những tennis, mà bóng đá cũng có một đại diện tiêu biểu. Ở tuổi 32, Cristiano Ronaldo vừa ghi 37 bàn cho Real Madrid trên mọi đấu trường, góp công lớn giúp đội bóng chủ quản bảo vệ thành công chức vô địch Champions League, sắp đón Quả bóng Vàng thứ 5, ở độ tuổi nhiều ngôi sao đồng niên đang vi vu chơi bóng để… dưỡng già.
Thể thao là lĩnh vực có “tuổi thọ nghề” thuộc dạng thấp nhất, bởi thế giới chuyển động không ngừng, còn khả năng hoạt động thể chất của con người là có giới hạn. Với thể thao hiện đại, “tuổi thọ nghề” còn co lại hơn nữa.
Sức trẻ luôn được ưu tiên hơn tuổi già. Những cái tên già cỗi hiếm có đất dụng võ, trong khi trẻ hóa trở thành xu thế toàn cầu. Những tấm thảm đỏ được trải ra để đón những tài năng trẻ, trong khi “người già” hoặc chủ động chia tay trong danh dự, hoặc lặng lẽ rời đi bằng thế “cửa sau” (với bóng đá), hoặc dần bị khán giả lãng quên (với tennis).
Nhưng Federer và Ronaldo vẫn thành công. Tại sao?
Sau cú đúp bàn thắng mà Ronaldo ghi vào lưới Juventus trong trận chung kết Champions League, hàng loạt nhà báo, chuyên gia,… thi nhau lí giải sự bùng nổ bất ngờ của siêu sao người Bồ Đào Nha. Với không ít người, những bước chạy thần tốc, sức rướn tuyệt vời cùng mức độ dẻo dai của Ronaldo là phi lí so với độ tuổi xế chiều.
Những nghiên cứu được đưa ra với cùng kết luận: Không có gì là ngẫu nhiên trong thành công của Ronaldo. Chế độ ăn uống, tập luyện khoa học, hợp lý cùng một số bài tập thể lực, cơ bắp đã giúp Ronaldo tiết kiệm sức lực và chơi hay ở những thời điểm quyết định.
Nếu dư luận “mổ xẻ” thành công của Roger Federer như đã làm với Ronaldo, câu trả lời nhận được nhiều khả năng không khác là bao. Chế độ tập luyện, nghỉ ngơi, ăn uống khoa học giúp tay vợt người Thụy Sĩ luôn sung sức dù đã ở “ngưỡng mỏi mệt” do cơ thể phải chịu đựng khối lượng vận động khổng lồ trong suốt sự nghiệp.
Như vậy, có thể nói khoa học thể thao hiện đại đã mang đến khả năng “cải lão hoàn đồng” cho những ngôi sao lớn tuổi? Câu trả lời chắc chắn là không. Khoa học là vô nghĩa, nếu nó không được ứng dụng trên nền tảng nghị lực phi thường của mỗi con người.
Không phải tự nhiên, Federer liên tục nhắc đến “niềm tin” như một bí quyết “trường thọ” trên đỉnh cao. Có tin tưởng, mới có những cái tên nỗ lực đến cùng để chống lại quy luật tự nhiên của tuổi già. Niềm tin ấy xuất phát từ nhận thức đúng đắn về bản thân cùng sự trân quý sức khỏe sau từng ấy năm chiến đấu trong môi trường thể thao khắc nghiệt.
Đó là thứ người trẻ chẳng bao giờ sở hữu, trong khi tuổi già có thừa. Chỉ có điều, những giá trị của kinh nghiệm lại bị thể thao hiện đại ít nhiều xem nhẹ, khi vận động viên ưu tiên dùng sức hơn là dùng đầu.
Thành công của Federer và Ronaldo không cho thấy trẻ hóa là sai. Họ chỉ nhắc nhở thế giới rằng: những “ông già” ấy, dù chẳng bấy lâu nữa là giải nghệ, thì họ vẫn còn nguyên khát khao, giá trị và khả năng vươn tới đỉnh cao mà những người trẻ phải mơ ước.
Đến lúc họ chia tay đỉnh cao, biết đâu người thay thế không phải những cái tên trẻ tuổi. Mà có khi lại là những “ông già” khác cũng nên!
"Thông tin nhận định và dự đoán bóng đá ở đây chỉ là để giải trí và tham khảo, không phải để thúc đẩy việc cược bóng đá. Những hành vi như vậy không được nhà nước cho phép."