Người đàn bà có 100 con, cháu ở Yên Bái – kỉ lục cao nhất Việt Nam
Tin nóng 24h: Đến giờ, bà Lò Thị Ương có tất thảy cả con dâu, rể, các cháu chắt nội ngoại là hơn 100 người con cháu đủ để lập một bản mới.
Đến giờ, ngay cả bà Lò Thị Ương cũng vẫn chưa hình dung ra nổi làm sao bà có thể vượt cạn 18 lần thành công. 9 người con gái, 9 người con trai ra đời trong khốn khó, vậy mà đều thành người cả. Cái kỷ lục mà bà Ương đang nắm giữ, e rằng khó có người phụ nữ nào ở đất nước này có thể vượt qua.
Lần ngược ngàn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, tôi không thể tin vào mắt mình, khi gặp bà Lò Thị Ương ở bản Hát 2, xã Hát Lìu, người mẹ của 18 người con.
Đặc biệt hơn là bà đã “vượt mặt” cả những kiến thức, tin tức về y học về sinh sản. Bà Ương đã vượt qua tất cả những phụ nữ đang nắm giữ “kỷ lục” về đẻ ở Tây Bắc mà tôi đã từng gặp, như bà Giàng Thị Mái ở xã Xín Chải (Phong Thổ – Lai Châu) có 15 đứa con, bà Giàng Thị Dong ở xã Co Mạ (Thuận Châu – Sơn La) có 17 người con… Một điều dễ nhận thấy nhất trong các gia đình này là nỗi vất vả, khốn khó và đầy gian nan của người mẹ.
Họp gia đình bà Lò Thị Ương mà như bản làng có… hội
Ngày chúng tôi đến huyện Trạm Tấu trời mưa như trút nước. Mất nửa ngày trời vật lộn với con đường trơn trượt, chúng tôi mới vào tới nhà bà Ương.
Ngôi nhà sàn bề thế nằm bên dòng suối Hát ủ rũ trong mưa. Phía trong nhà tiếng người cười nói rôm rả. Ngoài cửa người ra, người vào tấp nập, khiến chúng tôi ngỡ nhà bà Ương hôm nay có công to việc lớn gì.
Biết có khách đến chơi ông Lò Văn Khiên, chồng của bà Ương ra tận cửa đón. Người đàn ông đã gần 80 tuổi nhưng nom còn khỏe lắm. Ông vồn vã tay bắt mặt mừng, mời khách lên nhà và đỡ đồ giúp chúng tôi.
Làm vài chén rượu cho ấm bụng, ông Khiên mới khề khà bảo rằng, tất cả những người trong nhà đều là dâu, rể, cháu chắt trong nhà. Trời mưa, không lên nương được, nên con cháu tập trung ăn uống cho vui.
Bà Ương ngồi bên cạnh nhìn con đàn, cháu đống của mình ăn uống với ánh mắt đầy tự hào.
Bà bảo: “Nhà tôi mà đủ con, đủ cháu thì phải làm ít nhất là… 15 mâm. Mỗi lần họp gia đình, tôi phải mổ riêng một con lợn vài chục cân mới đủ”.
Vấn lại cái khăn đội đầu, bà nhìn đàn con của mình với ánh mắt đầy tự hào và bảo: “Đến giờ tôi đã có hơn 60 đứa cháu chắt nội, ngoại. Đó là còn chưa tính đến mấy đứa con dâu vẫn còn đang mang bầu, sắp sinh nở. Tính tất tần tật cả dâu rể, đại gia đình nhà tôi có trên 100 người”.
Một mình bà Lò Thị Ương 18 lần vượt cạn
Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng nom bà Ương còn khỏe lắm. Mái tóc bà mới điểm bạc, búi gọn trên đầu để hở cái cổ cao với nước da sáng bóng, khuôn mặt phúc hậu, mắt còn tinh anh, trí nhớ thì tuyệt vời.
Mặc dù đã trải qua 18 lần vượt cạn nhưng dáng người bà còn thon thả. Bà nói năng nhẹ nhàng, đi lại khoan thai. Nói như mấy thầy tướng, bà Ương có dáng người vượng phu ích tử.
Ngày đó, người Thái còn tục ở rể. Muốn đón được vợ về nhà, ông Khiên phải là một “con trâu” tốt chứng minh với bố mẹ vợ đã.
Đứa con đầu tiên chào đời là con trai. Bà với tay sang cửa liếp, rút cái cật tre cắt rốn cho đứa con trai cả của mình. Khi bố mẹ đi làm nương về, đứa trẻ đã được bà tắm rửa sạch sẽ nằm gọn trong chăn ấm.
Hôm ông Khiên tốt nghiệp lớp bình dân học vụ về nhà khoe với bố mẹ thì ông đón nhận tin vui là mình đã được làm bố. Ông bà đã quyết định đặt tên con là Lò Văn Ơn, để sau này đứa trẻ này nhớ tới công ơn khó nhọc mà bà Ương đã vượt cạn một mình.
Đứa con gái thứ 2 ra đời trong niềm vui khôn xiết của cả gia đình. Thế là ông bà đã có cả nếp cả tẻ, khỏi phải cố, phải mong gì về con trai, hay con gái nữa.
Bà Lò Thị Ương gõ mõ… gọi các con khi đến bữa
Kể lại việc này, bà Ương mới bảo, có thể bà đẻ tốt là do biết bài thuốc của bà mẹ chồng. Là con dâu của gia đình nên bà được mẹ chồng truyền lại bài thuốc chữa vô sinh và thuốc bổ cho phụ nữ khi mang bầu.
Bà Ương kể, cứ mỗi lần chuẩn bị lót ổ là bà vào rừng hái lá thuốc. Khi sinh hạ, bà tự tay đỡ và cắt rốn cho các con. Cả 18 đứa con đều do bà tự đỡ. Một điều khiến y học hiện đại không tin nổi.
Đàn con của bà Ương lớn lên trong nỗi khó nhọc, cơm không đủ no, áo không đủ mặc ấm khi đông về. Nhắc đến giai đoạn khổ trần ai đó, bà Ương vẫn chưa thể nào quên. Những ngày đói giáp hạt, bà hô những đứa con lớn vào rừng kiếm măng mai, cù mài, củ nâu… để giải quyết cái đói.
Đông con, chồng lại thường xuyên đi vắng nên một mình bà không thể quản lý hết được. Cái khó ló cái khôn, bà liền nghĩ ra một cách là dùng đứa lớn để quản đứa nhỏ giống như việc phân tổ trong lớp học. Mỗi tổ có một đứa con đứng đầu. Ngay cả việc gọi con, bà cũng phải nghĩ ra một chiêu là làm một cái mõ tre treo ở đầu hồi. Khi nào cơm nước nấu xong xuôi, bà không thể tỏa đi khắp bản để tìm chúng về. Đến bữa là bà gõ lên vài hồi mõ tre.
Đẻ nhiều khổ lắm! Bà Lò Thị Ương cảm thán.
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi mấy bà thông gia của bà Ương sang chơi. Các bà lại tíu tít chuyện trò. Bà Ương bảo: “Nhà tôi toàn gắn với con số 18. Tôi có tất thảy 18 con dâu rể và 18 ông bà thông gia”.
Những năm sau này, ông Khiên còn là cán bộ xã nhưng lương ba cọc, 3 đồng nên ông Khiên không giúp được gì nhiều cho vợ. Không giống như phụ nữ ở dưới xuôi, phụ nữ người Thái nơi đây chỉ nghỉ sinh khoảng 1 tháng là đã địu con lên nương.
18 đứa con bìu ríu khiến chẳng mấy khi bà Ương có thời gian nghỉ ngơi. Giờ đã ở cái tuổi thất thập xưa nay hiếm vợ chồng bà mới ngộ ra một điều “con đàn cháu đống” không vinh dự gì mà chỉ chuốc thêm nỗi khổ.
Những ngày nhà có việc, ông bà đều khuyên con cháu của mình đẻ ít thôi, chứ ai cũng vỡ kế hoạch như bố mẹ thì khổ lắm. Nương rẫy ngày một ít đi và khó làm hơn. Muốn cuộc sống của con cháu mình sung sướng, việc đầu tiên phải hãm “cái máy đẻ” lại.
"Các thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích đến từ nhiều nguồn dữ liệu đáng tin cậy và nên được xem là một nguồn tài liệu tham khảo có trách nhiệm, không nên sử dụng để tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật."